Đưa vợ về chăm sóc bố mẹ người yêu


Việc Vận Phong sang làm con cho nhà họ Hoàng khiến mọi người xung quanh ngờ vực, điều tiếng không ít, nhưng anh không quan tâm. Để trả những món nợ vay hồi chữa bệnh cho Nguyên Anh, ban ngày, anh làm công ở xưởng sửa chữa ô tô, buổi tối lại đi đào cát trên sông Tùng Tư. Vợ chồng ông Hoàng Hưng Tài ngoài cày cấy còn trồng rau, nuôi lợn, đánh cá; cả nhà đoàn kết cùng cố gắng.

Ngoài việc kiếm tiền, Vận Phong cũng hết lòng quan tâm chăm sóc cha mẹ nuôi. Khi hai người bị ốm, anh chạy tới chạy lui mang nước, hái thuốc, giặt giũ, nấu nướng. Anh cũng cư xử rất nhã nhặn, lễ độ với họ hàng. Được nửa năm thì những lời bàn ra tán vào cũng hết, mọi người đều quý mến và cảm thông cho Vận Phong; nhiều người muốn giới thiệu đối tượng cho anh. Vận Phong đặt ra một điều kiện: cô gái nào lấy anh phải đồng ý ở nhà họ Hoàng, cùng anh chăm sóc cha mẹ người yêu cũ.
Cuối năm 1993, Vận Phong được giới thiệu với Khuất Thanh Hoa, một bạn học cũ của Nguyên Anh, rất cảm phục trước nghĩa cử của anh. Một thời gian sau, hai người kết hôn. Khi “con trai” và“con dâu” quỳ trước mặt gọi “cha, mẹ”, hai vợ chồng Hoàng Hưng Tài lại nước mắt chan chan.


Lấy họ Hoàng đặt tên cho con


Quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn khó, huống gì “bố mẹ chồng” lại là bố mẹ người yêu cũ của chồng. Khi mới về sống chung, giữa Thanh Hoa và vợ chồng ông Hoàng đôi lúc cũng có điều xích mích. Một bên là cha mẹ người xưa, một bên là vợ mới cưới, để hai bên thực sự đón nhận nhau cần có một quá trình. Vận Phong giao hẹn với vợ 3 điều: không được nói hỗn với bố mẹ; có điều gì oan ức, chỉ được giãi bày với chồng; vợ chồng nếu có cãi nhau, cũng không được cãi nhau trong nhà. Dần dần, Thanh Hoa cũng hòa hợp được với cha mẹ Nguyên Anh, giặt giũ, cơm nước, việc đồng áng, cô đều lo liệu. Đã nhiều năm nay, cô không bao giờ to tiếng trước mặt bố mẹ.

Năm 1995, khi con trai ra đời, Vận Phong lại quyết định lấy họ Hoàng đặt cho con. Cũng năm ấy, khi xây mộ cho Nguyên Anh, đúng lúc mọi người không để ý, ông Hoàng bất ngờ quỳ xuống trước mặt Vận Phong khóc rằng: “Nguyên Anh à, con yên tâm đi, Vận Phong đối vớibố mẹ chẳng khác nào con đẻ…”

Sau 6 năm đoàn kết cố gắng,đến năm 1999, Vận Phong và nhà họ Hoàng đã trả xong món nợ 100.000 tệ.

Năm 2004, “mẹ chồng” mắc bệnh, Thanh Hoa ở trong bệnh viện chăm sóc bà từng li từng tí. Còn Vận Phong thì hết lòng tìm thầy tìm thợ chạy chữa cho bà. Nghe ở Giám Lợi có thầy thuốc hay, anh lặn lội tới tận nơi mời thầy thuốc về nhà; nghe ở Nghi Xương có ông lang giỏi, Thanh Hoa lại đưa mẹ chồng đến bốc thuốc. Chị cõng mẹ trên lưng, leo mấy cây số đường núi, khi lên đến nơi thì ống quần tả tơi, chân chảy máu.

Nghĩ thương người già chẳng biết còn sống được bao lâu, anh chị lại thuê xe đưa cụ ông đi du lịch ở Nghi Xương, đây là nơi xa nhất mà cụ từng được đến. Nhìn dòng mương Cát Châu, cụ già rưng rưng nước mắt nói: “Con trai, con là đứa con mà ông trời ban cho ta.”

17 năm đã qua đi, chàng trai năm xưa giờ đã 43 tuổi. Giờ đây, Vận Phong đã mở được một xưởng sửa chữa ôtô,cuộc sống của cả nhà trôi qua bình yên, hạnh phúc. Nhắc lại chuyện đã qua, anhtâm sự: “Trong 2 năm, nhà họ Hoàng lần lượt mất cả con trai lẫn con gái, nếu tôi không chăm sóc, hai người thực sự sẽ thành người già không nơi nương tựa.Đối với người già, nhu cầu vật chất thực ra không phải quan trọng nhất, mà nhu cầu tinh thần mới thực có ý nghĩa. Đặt tên con lấy họ Hoàng, là vì muốn các cụ có một điểm tựa tâm thần, cảm thấy mình thực sự có cháu nội, có gia đình…”

Câu chuyện của Vận Phong thậtgiản dị, như chính con người anh, tình yêu của anh không ồn ào, không nổi trội như những người trẻ bây giờ, nhưng đủ để anh giữ một lời hứa suốt đời, làm được những điều giản đơn nhất mà cũng ý nghĩa nhất cho cha mẹ người yêu. Và càng đáng khâm phục hơn nữa, vợ anh, người phụ nữ bao dung và can đảm, vì cảm nghĩa người con trai mà chung sống và chăm sóc cha mẹ người yêu cũ của anh như chính cha mẹ mình, và đồng ý để đứa con do mình sinh ra mang họ của người con gái đến trước mình. Có những điều tưởng như không thể, nhưng tình người có thể…

Sưu tầm

Polaroid